“Nghiên cứu phiên mã theo cấu trúc không gian” phát hiện tế bào ung thư trong mô lành tính

Đăng lúc: 10:24:59 22/09/2022 (GMT+7)

Một nhóm các nhà khoa học của SciLifeLab, dẫn đầu bởi Joakim Lundeberg (KTH) và Alastair Lamb (Đại học Oxford) đã chứng minh phương pháp “nghiên cứu phiên mã không gian” (spatial transcriptomics) có thể được ứng dụng thành công để phát hiện những biến đổi gen ở các mẫu mô có vẻ như lành tính trước khi chúng được phát hiện là tế bào ung thư bằng các kỹ thuật sàng lọc thông thường. Từ trước đến nay, thông qua quan sát kính hiển vi bằng mắt thường, chúng ta có thể phát hiện ra các tế bào ung thư và khối u ác tính. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các tế bào trông có vẻ như lành tính xung quanh có chứa các đột biến tương tự hay không (những đột biến mà sau này có thể tiến triển thành tế bào ung thư) vẫn chưa có câu trả lời. Việc xác định được sự chuyển đổi từ mô lành tính sang mô ác tính là điều cơ bản trong chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Để trả lời câu hỏi này, trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí danh tiếng Nature, các nhà khoa học đến từ Karolinska Institutet, KTH và Đại học Oxford đã ứng dụng thành công phương pháp “phiên mã không gian” để phát hiện những biến đổi gen (tương tự như những thay đổi trong tế bào ung thư) ở các mặt cắt mô của các mẫu tuyến tiền liệt có vẻ khỏe mạnh. Đây quả là một phát hiện bất ngờ ! Chưa ai phát hiện ra những thay đổi trong di truyền này trước đây nếu chỉ quan sát kính hiển vi thông thường. Những thứ bên ngoài khối u đã được nhìn thấy và điều thú vị là nhóm nghiên cứu đã có thể hiểu được quá trình tiến triển từ mô khỏe mạnh sang khối u. Giờ đây, chúng ta thực sự có thể xác định được các sự kiện xảy ra sớm nhất trong quá trình tiến triển của bệnh ung thư. Tin rằng trong một thời gian không xa, chúng ta có thể ứng dụng các dấu hiệu phân tử này để phát triển các dấu ấn sinh học nhằm sàng lọc và xác định bệnh nhân trước khi khối u tiến triển. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm kiếm những biến đổi gen ở hơn 120.000 vùng trên nhiều cơ quan trong cơ thể, từ mô lành tính đến mô ác tính, và có thể xác định được các mô hình riêng biệt trong khối u và ở các mô có vẻ như lành tính trong các mẫu tuyến tiền liệt. Nhiều bản sao mà trước đây được giả thuyết là có liên quan đến bệnh ung thư thực sự đã hiện diện trong các mô lành tính. Phát hiện này mang lại ý nghĩa to lớn trong việc chẩn đoán sớm và quyết định điều trị bệnh ung thư. Như vậy, nghiên cứu đột phá này đã đưa ra một mô hình mới về cách thức sự bất thường của hệ gen có thể phát sinh trong mô lành tính như bước đầu tiên trong quá trình tiến triển của bệnh ung thư. Các nhà khoa học cũng chứng minh được rằng việc ứng dụng phương pháp “phiên mã không gian” trên toàn bộ mẫu mô có thể giúp đưa ra cơ sở lý luận cho các mô hình điều trị ung thư, bao gồm cả liệu pháp trúng đích. Nguồn: Johan Inganni. Spatial transcriptomics reveals cancer in seemingly benign tissue. SciLifeLab. Last updated: 2022-08-24. Biên dịch: DS. Nguyễn Thanh Huyền

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24